Toàn bộ tác dụng vi diệu của hà thủ ô đỏ đối với sức khoẻ con người.

Hà thủ ô là một trong những vị thuốc bổ của Đông Y có khả năng làm người già hoá trẻ, tóc bạc trắng hoá tóc đen. Hà thủ ô có hai vị đều có tên là hà thủ ô. Dưới đây Đôngytinhhoa.vn sẽ cung cấp cho bạn toàn bộ tác dụng vi diệu của hà thủ ô đỏ với sức khoẻ con người.

Mục lục

Phân biệt hà thủ ô.

Có hai vị mang tên hà thủ ô là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng.

Hà thủ ô đỏ, là vị đúng, được Trung Quốc và Nhật Bản coi là vị chính thức.

Hà thủ ô trắng, còn gọi là nam hà thủ ô.

Xem thêm: Cách phân biệt hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng.

phan biet ha thu o do va ha thu o trang
Phân biệt hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng

1. Hà thủ ô đỏ.

1.1 Hà thủ ô đỏ là gì.

Hà thủ ô đỏ còn gọi là thủ ô, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình (Thái), Măn đăng tua lình (Lào- Sầm Nưa), Mần năng ón (Thổ). Mần đăng= khoai lang, tua lình= con khỉ, vì giống củ khoai lang mọc ở chỗ khỉ hay đi lại.

Hà thủ ô đỏ có tên khoa học là Polygonum multiflorum Thunb. Fallopia multiflora, (Pteuropterus cordatus Turcz).

Thuộc họ Rau răm Polygonaceae.

Hà thủ ô đỏ (Radix Polygoni multiflori) là rễ củ phơi khô của cây hà thủ ô.

ha thu o do co nhieu tac dung tot cho suc khoe
Hà thủ ô đỏ có nhiều tác dụng cho sức khoẻ.

1.2 Lịch sử tên gọi hà thủ ô.

Trong Bản thảo cương mục có ghi lịch sử hà thủ ô như sau: “Thứ thuốc này có tên là giao đằng sau vì ông Hà Thủ Ô uống nên mới đổi tên: Hà Thủ Ô người ở huyện Nam Hà thuộc Thuận Châu, có tổ là Năng Tự, cha tên Điền Tú.”

Năng Tự vốn có tên là Điền Nhi. Điền Nhi khi sinh ra yếu ớt. Đến năm 58 tuổi vẫn khôgn có vợ, thường ham đạo thuật, thường theo các thầy học đạo ở núi. Một hôm uống rượu say nằm ở sườn núi bỗng thấy hai gốc cây leo cách xa nhau tời 3 thước (thước cổ=0,3 m vậy cách nhau 0,9m). Cành lá quấn nhau, lâu lâu lại rời nhau ra rồi lại quấn với nhau như trước.

Điền Nhi thấy làm lạ, sáng hôm sau đào củ đem về hỏi mọi người, không ai biết là củ gì. Sau đó, có một ông già phương xa lại chơi, Điền Nhi đem ra hỏi, ông già bảo: Anh đã không có con mà thứ cây này lại có sự lạ như vậy có lẽ là một vị thuốc thần tiên nên đem sắc mà uống, Điền Nhi liền đem tán bột, mỗi lần uống 1 đồng cân(4g). Hoà với rượu, uống luôn 7 ngày, đã nảy ra ý tưởng tình dục, uống luôn vài tháng, thời khoẻ mạnh như người thường.

Vì vậy nên uống mãi, dần dần tăng lên 2 đồng cân (8g). Uống suốt một năm các bệnh đều khỏi, tóc đang trắng hoá đen, vẻ mặt trẻ lại, trong khoảng mười năm sinh được vài con trai, sau đó đổi tên thành Năng Tự.

Cùng với con là Điền Tú tiếp tục cùng uống thứ bột đó mà thọ tới 160 tuổi. Điều Tú sinh ra Thủ Ô. Thủ Ô cũng uống mà sinh được vài con trai, thọ tới 130 tuổi tóc vẫn còn đen. Có người là Lý An Kỳ, bạn thân với Thủ Ô, lấy được bài thuốc đó đem về uống cũng sống lâu và thuật lại truyện trên…”

1.3 Đặc điểm cây hà thủ ô.

Cây hà thủ ô vốn còn có tên là giao đằng vì đây là dây leo xoắn vào nhau hoặc dạ hợp vì đêm quấn vào nhau.

Tên khoa học Polygonum multiflorum ( Polygonum là cây có nhiều đốt, nhiều mắt còn multiflorum là nhiều hoa, vì cây có nhiều đốt, nhiều hoa).

Hà thủ ô là một loại dây leo, sống nhiều năm.

Thân mọc xoắn vào nhau. Mặt ngoài thân có màu xanh tía có những vân hoặc bì khổng, mặt thân nhẵn, không có lông.

Lá hà thủ ô mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim hẹp, dài từ 4 đến 8cm, rộng từ 2,5 đến 5cm. Đầu lá nhọn, có cuống hình tim hoặc hình mũi tên, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hai mặt đều nhẵn và không có lông. Lá kèm mỏng, màu nây nhạt ôm lấy thân.

Hoa nhỏ, đường kính hoa 2mm, có cuống ngắn từ 1 đến 3mm. Hoa mọc thành chùm nhiều nhánh. Cánh hoa màu trắng.

Nhị 8 với 3 nhị hơi dài hơn. Bầu hình 3 canh, vòi ngắn gồm 3 cái rời nhau, nuốm hình mào gà, rũ xuống.

Hoa nở vào tháng 10, ra quả vào tháng 11.

dac diem cua ha thu o do
Đặc điểm của hà thủ ô đỏ.

1.3 Cách phân bố, thu hái và chế biến hà thủ ô.

Hà Thủ Ô có mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Ở Việt Nam, hà thủ ô mọc hoang ở rừng núi, nhiều nhất ở các tỉnh Thanh Hoá, Tây Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu…

Cây có thể trồng bằng dây hoặc hạt. Sau 4-5 năm mới có thể thu hoạch.

Hiện nay cây chưa được trồng. Chủ yếu thu hoạch cây mọc hoang. Hà thủ ô thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa xuân. Đào rễ củ mang về rửa sạch đất, bổ đôi hoặc bổ tư, đem đồ rồi phơi hoặc đem phơi luôn. Muốn có hà thủ ô miếng thì hái về tươi đem thái sau đó đồ chín rồi phơi hoặc đồ chín rồi thái và phơi.

Hà thủ ô chế là đồ hà thủ ô với đậu đen. Dồ rồi phơi, phơi xong lại đồ làm như vật 9 lần đồ, chín lần phơi cho miếng hà thủ ô đen rồi dùng.

2. Thành phần hoá học của hà thủ ô đỏ.

Hà thủ ô đỏ chứa các chất sau đây:

Các chất anthraglucozit 1,7% trong đó chứa chủ yếu là: chrysophanola emodin và rhein.

Ngoài ra chứa các chất khác như: chất đạm 1,1%; tinh bột 45,2% ; chất béo 3,1%, chất vô cơ 4,5%, các chất tan trong nước 26,4% lexitin.

Lexitin là một photphatit được kết hợp giữa 2 axit glyxerophotphoric với một phân tử cholin và hai phân tử axit béo. Lexitin được dùng trong trường hợp suy nhược thần kinh, thiếu dinh dưỡng.

Anthraglucozit có tác dụng làm tăng sự bài tiết của dịch tràng, xúc tiến sự co bóp của ruột giúp cho sự tiêu hoá và cải thiện dinh dưỡng.

3. Tác dụng dược lý của hà thủ ô.

Theo Mẫn Bính Kỳ trong Nhật dược chí, tác dụng dược lý của hà thủ ô như sau.

Cho thỏ uống nước sắc hà thủ ô rồi theo dõi ảnh hưởng đối với lượng đường trong máu thì thấy sau khi uống từ 30 phút đến 60 phút, lượng đường trong máu tăng tới mức cao nhất sau đó giảm dần, 6 giờ sau khi uống thuốc, lường đường trong máu so với bình thường thấp hơn 0,03%.

Lexitin là thành phần chủ yếu của hệ thần kinh nên hà thủ ô được dùng trong những trường hợp suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh. Lexitin còn gúp sinh ra huyết dịch và bổ tim.

Dung dịch lexitin pha loãng 1/10.000 đến 1/200.000 có tác dụng làm mạnh tim cô lập, nếu tim đã yếu mệt thì tác dụng lại càng rõ rệt hơn.

Lexitin là một nguồn photpho dễ hấp thụ và giúp cho hiện tượng chuyển hoá chung được cải thiện.

Do thành phần anthraglucozit, hà thủ ô có tác dụng làm xúc tiến sự co bóp của ruột, xúc tiến sự tiêu hoá và cải thiện dinh dưỡng.

ha thu o duoc nghien thanh bot
hà thủ ô được nghiền thành bột.

4. Tác dụng vi diệu của hà thủ ô đỏ đối với sức khoẻ con người.

Theo Đông Y, hà thủ ô là một vị thuốc bổ chữa thần kinh suy nhược, các bệnh về thần kinh, ích huyết, khoẻ gân cốt, sống lâu, làm đen râu tóc.

Đối với phụ nữ, hà thủ ô được dùng chữa các bệnh sau khi đẻ, các bệnh xích đới.

Liều dùng: hàng ngày dùng từ 12 đến 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc rượu hoặc thuốc bổ.

4.1 Hà thủ ô giúp tăng cường sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng.

Hà thủ ô có khả năng tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ cơ thể.

Các loại đường (rhamnose, arabinose, xyloza và glucose ) và anthraquinone glycoside có trong hà thủ ô giúp cải thiện phản ứng miễn dịch và chức năng hệ thống miễn dịch tổng thể (tác dụng điều hòa miễn dịch).

Hà thủ ô còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tăng sản xuất tế bào T và B, cải thiện các hoạt động của các tế bào miễn dịch cũng như tăng sự bài tiết của yếu tố hoại tử khối u viêm.

4.2 Hà thủ ô đỏ các tác dụng bổ máu.

Hà thủ ô đỏ có khả năng kích thích tạo hồng cầu, bạch cầu, giúp bổ máu. Dùng để chữa các bệnh thiếu máu và các bệnh về máu khác.

4.3 Hà thủ ô đỏ tốt cho tim mạch.

Theo Đông Y, hà thủ ô đỏ có thể ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, điều trị tăng lipid máu, cải thiện hoạt động của các tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và tuyến giáp.

Ngoài ra hà thủ ô đỏ còn giúp chống rối loạn đông máu. Hà thủ ô giúp bảo vệ, chống lại tổn thương tế bào do thiếu oxy hoặc lưu lượng máu bằng tắc mức độ của các chất chống oxy hoá tế bào.

4.3 Giúp bảo vệ gan.

Do có chứa Anthraquinone và polysacrit giúp bảo vệ gan bằng cách giảm viêm, ngăn ngừa quá trình oxy hoá chất béo và tăng tác dụng chống oxy hoá. Trà chiết xuất từ hà thủ ô được sử dụng phổ biến làm mát gan, thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị bệnh gan.

4.4 Ngăn ngừa ung thư.

Giống như tam thất, Hà thủ ô đỏ có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung ở người, tế bào ung thư lưỡi, tế bào u nguyên bào thần kinh và tế bào u ác tính giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.

4.5 Giúp đen tóc, râu tóc bạc thành đen.

Từ lâu Hà thủ ô được biết đến với câu khẩu ngữ:” Muốn cho xanh tóc đỏ da- Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô.” Chính vì vậy hà thủ ô luôn được biết đến với công dụng chính là làm đen tóc, tăng cường tuần hoàn máu giúp da dẻ hồng hào, gân cốt khoẻ mạnh.

Điều này được lý giải do hà thủ ô đỏ có chứa các thành phần quý giúp bổ thận, giúp sinh tinh, tinh tạo huyết, tăng sinh hồng cầu, tăng sinh tân dịch, phục hồi những tổn thương ở nang tóc.

Ở dưới là các bài thuốc của hà thủ ô kết hợp với các vị thuốc khác giúp cho tóc trắng hoá đen, tăng cường sinh khí của hà thủ ô đỏ.

Ngoài ra hà thủ ô đỏ có khả năng là tăng tế bào nhú có vai trò trong sự phát triển của tóc và độ dại của sợi tóc giúp thúc đẩy mọc tóc.

Ngày nay, hà thủ ô được chiết xuất thành các chế phẩm để điều trị rụng tóc, giúp tóc luôn đen mượt, sợi chắc khoẻ đồng thời làm giảm rụng tóc.

PolygonumMultiflorum- Cay ha thu o do
PolygonumMultiflorum- Cây hà thủ ô đỏ.

4.6 Làm đẹp da, ngăn ngừa lão hoá da.

Hà thủ ô làm chậm quá trình lão hoá da cũng như lão hoá của các tế bào khác. Nếu được sử dụng thường xuyên sẽ làm trẻ hoá làn da, giúp da dẻ hồng hào, mịn màng.

4.7 Hà thủ ô có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng.

Theo Đông Y, hà thủ ô có tác dụng thông tiểu, nhuận tràng, chữa táo bón cho phụ nữ sau sinh hoặc người già. Điều này được lý giải do hà thủ ô đỏ có chứa anthraglucozit, hà thủ ô có tác dụng làm xúc tiến sự co bóp của ruột, xúc tiến sự tiêu hoá và cải thiện dinh dưỡng.

4.8 Hà thủ ô chuyên giải độc, tiêu viêm, chữa trị bệnh ngoài da.

Hà thủ ô có chứa TSG và emodin giúp giảm viêm, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm đại tràng.

Hà thủ ô có tác dụng kháng khuẩn, giải độc, chống viêm, chữa mụn nhọt, ghẻ lở, bệnh lậu, điều trị viêm da mủ và một số chứng viêm khác.

4.9 Hà thủ ô giúp hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer, Parkinson.

Theo nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc, Chiết xuất của hà thủ ô giúp chống lại bệnh Alzheimer- căn bệnh suy giảm trí nhớ ở người già.

Do có chứa thành phần lexitin- là thành phần chủ yếu của hệ thần kinh nên hà thủ ô được dùng trong những trường hợp suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh như alzheimer.

5. Các bài thuốc Nam dùng hà thủ ô và lá thủ ô để tăng cường sức khoẻ.

5.1 Bài thuốc bổ dùng cho người già yếu, suy nhược thần kinh, ăn uống khó tiêu.

Hà thủ ô 10g, đại táo (táo đen Trung Quốc) 5g, thanh bì 2g, sinh khương 3g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia uống ngày từ 3 đến 4 lần.

5.2 Bài thuốc:”. Thất bảo mỹ nhiệm đơn”.

Đây là bài thuốc giúp cho tóc râu trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu.

Hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng mỗi thứ 600g ngâm nước vo gạo 4 đêm ngày, cạo bỏ vỏ, dùng đậu đen đãi sạch rồi cho hà thủ ô vào chõ: Một lượt hà thủ ô, một lượt đậu đen bắc lên bếp đồ chín đậu đen, đem bỏ đậu lấy hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ, làm như vậy 9 lần. Cuối cùng lấy hà thủ ô sấy khô và tán bột.

Xích và bạch phục linh mỗi vị 600g, cạo bỏ vỏ tán bột, đãi với nước trong, lọc bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người phơi khô.

Ngưu tất 320g tẩm rượu 1 ngày, thái. Mỏng trên với hà thủ ô, đồ với đậu đen vào lần thứ 7,8,9 rồi đem ra phơi khô.

Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô. Câu kỷ tử 320g tẩm rượu phơi khô.

Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát, phơi khô.

Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen (hắc chi ma) sao cho bốc mùi thơm. Tất cả giã nát trộn đều thêm mật vào làm thành viên 0,5g ( bằng hạt ngô). Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 viên. Sáng dùng rượu chiêu thuốc, trưa dùng nước gừng và tối dùng nước muối ( theo Tích thiện đườn phương).

ha thu o do voi do den
Hà thủ ô đỏ đồ đỗ đen.

5.3 Hà thủ ô hoàn. Công dụng như trên nhưng ít vị hơn.

Hà thủ ô 1.800 g thái mỏng, ngưu tất 600g thái mỏng. Hai vị trộn đều, dùng một đấu to đậu đen đãi sạch. Cho thuốc vào chõ cứ một lượt thuốc, một lượt đâu. Đồ chín đậu. Lấy thuốc ra phơi khô. Làm như vậy 3 lần rồi tán thành bột.. Lấy thịt táo đen Trung Quốc trộn với bột làm thành viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên. Dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc ( theo Hoà tễ cục phương).

Hà thủ ô tán.  ( cồn dụng như bài trên) ( Bản thảo cương mục)

Hà thủ ô cạo vỏ, thái mỏng, phơi khô, tán bột. Ngày uống 4 g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.

Chữa lở ngứa bằng lá hà thủ ô đỏ.

Ngoài rể củ hà thủ ô, dân gian còn dùng lá và cành của hà thủ ô đỏ đun nước tắm để chứa lở ngứa, liều dùng tuỳ tiện.

Có thể phối hợp nấu với lá ngải.

6. Tác dụng phụ của hà thủ ô.

Khi sử dụng hà thủ ô quá nhiều hoặc quá liều sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Hà thủ ô là một loại thuốc bổ nhưng để có lợi cho sức khoẻ cần sử dụng đúng liều lượng, không tự ý sử dụng bừa bãi. Dưới đây là một số tác hại của hà thủ ô.

6.1 Gây độc cho gan nếu sử dụng quá nhiều.

Độc tính được biết đến nhiều nhất của hà thủ ô là khả năng gây nhiễm độc nặng cho gan thậm chí gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một số trường hợp nhiễm độc gan do Polygonum multiflorum đã được báo cáo ở những bệnh nhân đến từ Úc, Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Hà Lan và Slovakia đang dùng sản phẩm trị rụng tóc, viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc để tăng cường hệ miễn dịch có thành phần hà thủ ô

6.2 Hà thủ ô có tác dụng phụ với thận và phổi.

Khi sử dụng lâu dài, hà thủ ô có thể gây độc cho thận (nhiễm độc thận) và phổi ( nhiễm độc phổi).

Hà thủ ô có tác dụng ảnh hưởng đến phát triển của phổi. Đặc biệt hà thủ ô không an toàn cho phụ nữ có thai.

6.3 Hà thủ ô dễ gây tiêu chảy.

Anthraglucozit có tác dụng làm tăng sự bài tiết của dịch tràng, xúc tiến sự co bóp của ruột giúp cho sự tiêu hoá. Chính vì vậy đối với những người bị rối loạn tiêu hoá khi dùng hà thủ ô có thể gây tiêu chảy.

Không nên uống sản phẩm hà thủ ô hay các chế phẩm liên quan trước 7h sáng khi chưa ăn gì vì lúc này đường ruột dễ bị kích thích và dẫn đến đi ngoài phân lỏng.

6.4 Gây tê bì chân tay.

Chức năng nhuận tràng quá mức của hà thủ ô làm giảm hấp thu kali, gây rối loạn điện giải.

Vì điều này tác dụng phụ của hà thủ ô làm cho cơ trong cơ thể bị yếu. Bạn sẽ có cảm giác bị tê bì hay như kiến bò, thần kinh cảm giác bị rối loạn, chân tay không thật.

Tra ha thu o do
Trà hà thủ ô đỏ

7. Những ai không nên dùng hà thủ ô.

Hà thủ ô là một vị thần dược bổ dưỡng cho sức khoẻ con người với nhiều tác dụng tuyệt vời. Hiện nay hà thủ ô đang được sử dụng rộng rãi trong Đông Y cũng như khoa học hiện đại. Để sử dụng hà thủ ô tốt nhất nên theo lời khuyên và khuyến cáo của bác sỹ căn cứ vào thể trạng và cơ địa từng người để tận dụng được loại thần dược này bồi bổ sức khoẻ.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể dùng hà thủ ô vì hà thủ ô có thể gây bất lợi cho những người thuộc các trường hợp dưới đây.

Phụ nữ có thai.

Bệnh nhân đang bị viêm dạ dày, mất cảm giác ngon miệng.

Bệnh nhân bị huyết áp thấp, đường huyết thấp.

Bệnh nhân bị rối loại tiêu hoá, bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần.

Bệnh nhân có đờm nặng.

(Trích trong Những cây thuốc và vị Thuốc Việt Nam- GS Đỗ Tất Lợi).

Bài viết có thể bạn quan tâm: 

10+ tác dụng của chè vằng. Cách sử dụng chè vằng để trở thành thần dược chữa bệnh

Cây chè xanh và 18+ tác dụng của cây chè xanh. Vì sao nên thường xuyên uống chè xanh?

Lá cây trầu không với 23 tác dụng chữa bệnh của lá cây trầu không.

Bài viết của Dongytinhhoa.vn mang tính chất tham khảo không thay thế việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Trước khi áp dụng những bài viết chữa bệnh trên người bệnh cần phải hiểu rõ tình trạng bệnh của mình và được tư vấn từ bác sỹ chuyên khoa.

Tin Liên Quan